Lịch sử hình thành và phát triển Làng_nghề_chiếu_cói_Lật_Dương

Vào thế kỷ thứ 17, một nghệ nhân từ huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình mang theo nghề dệt chiếu cói đến định cư ở làng Lật Dương. Từ đó, dân trong làng làm nghề dệt chiếu và lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Trước những năm 1990, các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo là vùng cói lớn của cả miền duyên hải Bắc Bộ, do vậy nguồn nguyên liệu khá dồi dào, giá thành sản phẩm của làng nghề thường rẻ hơn những nơi khác. Từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc đến trước những năm 1990, ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Lật Dương được xuất khẩu sang nhiều nước Đông Âu. Sau năm 1991, khi không còn thị trường Đông Âu, quy mô làng nghề thu hẹp dần, diện tích vùng trồng cói được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.[3]

Đến năm 1999, với việc thành lập Hợp tác xã làng nghề chiếu cói Lật Dương và công nhận là làng nghề truyền thống, nghề dệt chiếu cói tại đây phát triển nhanh trở lại. Hiện nay, trong làng có 352 hộ tham gia sản xuất với 450 go dệt, 4 xương in, gần 1.000 lao động thường xuyên, sản lượng khoảng 200 nghìn lá chiếu/năm, doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Trong làng có nhiều gia đình bảy tám đời gắn bó với nghề dệt chiếu. Mặc dù vậy, nguồn nguyên liệu cói trồng tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 30% tổng số nhu cầu sản xuất của làng nghề, số còn lại làng nghề phải nhập từ các tỉnh khác.